Nhiều người có thói quen uống một vài cốc cà phê ngay sau khi thức dậy. Liệu đây có phải là thói quen tốt?
Cà phê là một đồ uống được nhiều người ưa chuộng. Rất nhiều người có thói quen uống hằng ngày.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, nhiều người có thói quen uống một vài cốc cà phê ngay sau khi thức dậy. Tuy nhiên, điều này có thể làm giảm tác dụng tăng năng lượng của cà phê.
Nguyên nhân là ngay sau khi thức dậy, nồng độ hormone cortisol trong cơ thể sẽ đạt mức cao nhất. Hormone cortisol có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo, tập trung, đồng thời chúng cũng tham gia vào điều hòa quá trình trao đổi chất, phản ứng miễn dịch và điều hòa huyết áp.
Theo TS Sơn, nồng độ hormone cortisol có thể thay đổi theo chu kỳ thức – ngủ của bạn. Theo đó, chúng sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 30-45 phút sau khi thức dậy và giảm dần trong ngày.
“Do đó, thời điểm uống cà phê tốt nhất là khoảng giữa buổi sáng tới gần trưa, khi nồng độ cortisol trong cơ thể giảm dần. Nếu thức dậy vào lúc 6h30, bạn có thể uống cà phê trong khoảng 9h30-11h30 để tăng năng lượng, cải thiện khả năng tập trung”, TS Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, bạn nên dùng cà phê vào buổi sáng, không nên dùng trước khi đi ngủ. Chất tanin trong cà phê cũng ức chế hấp thu sắt. Vì thế, uống nước đồ uống này ngay sau khi ăn sẽ làm giảm sự hấp thụ chất sắt từ thức ăn.
Những ai cần lưu ý khi uống cà phê
Caffeine giúp tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên, ở liều cao hơn, nó có thể dẫn đến lo lắng và hồi hộp. Tiêu thụ hàng ngày quá cao từ 1.000mg trở lên mỗi ngày đã được báo cáo là gây ra căng thẳng, bồn chồn và các triệu chứng tương tự ở hầu hết mọi người.
Trong khi ngay cả một lượng vừa phải cũng có thể dẫn đến tác dụng tương tự ở những người nhạy cảm với caffeine.
Ngoài ra, liều lượng khiêm tốn đã được chứng minh là gây thở nhanh và tăng mức độ căng thẳng. Sử dụng quá nhiều cafein có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào cafein để duy trì sự tỉnh táo.
Theo đó, một người bình thường có thể uống khoảng 250-400mg cafein (tương đương 2-3 ly) một ngày.
Hạt cà phê có chứa thành phần axit gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non. Nếu uống cà phê khi đang đói bụng sẽ khiến dạ dày tăng tiết axit, gây tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích.
Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng như người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) trước khi dùng thì phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lý do cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Các chuyên gia cho rằng việc uống cà phê cần được kiểm soát phù hợp với sức khỏe, thể trạng, bệnh tật của từng người. Có người uống cà phê để sảng khoái nhưng có người uống mất ngủ. Người đang bị mất ngủ, lo âu nếu uống cà phê sẽ rất nguy hiểm.
Tương tự, người mắc các bệnh tim mạch uống cà phê sẽ làm tăng nhịp tim, rối loạn nhịp tim…
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi uống cà phê chứa caffeine. Cần lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa cafein. Một tách cà phê bình thường có thể chứa 75 đến 165mg caffeine, trong khi cà phê khử cafein chứa trung bình 2-7mg.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, uống nhiều cà phê sẽ không có lợi cho sức khỏe. Hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt đối với những người bị bệnh tim, tăng huyết áp không nên dùng cà phê.
Theo Báo Dân Trí