Thị trường cà phê Việt Nam ngày càng phát triển với các chuỗi thương hiệu nổi tiếng đến những hàng quán to nhỏ trải dài khắp đất nước, nhưng chúng ta đã thật sự biết hết tất cả các loại cà phê?
Cà phê ở Việt Nam được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Bắc (Sơn La, cao nguyên Mộc Châu), Tây Nguyên (Đắc Lắk Lâm Đồng), vùng Trung Bộ (Quảng Trị, Nghệ An). Hằng năm, Việt Nam sản xuất và cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với sản lượng vô cùng lớn với 5 loại cà phê chủ yếu. Mỗi loại có một nét đặc trưng khác nhau về cả hình dáng, hương thơm lẫn mùi vị.
1. Hạt cà phê Robusta
Hạt cà phê Robusta hay còn gọi là cà phê vối, chính là loại cà phê phổ biến nhất trên toàn thế giới. Còn ở Việt Nam, cà phê Robusta là giống cà phê được trồng nhiều nhất. Vì phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên, thổ nhưỡng của vùng Tây Nguyên đất đỏ bazan màu mỡ,…nên nó trở thành loại cà phê có sản lượng lớn nhất cả nước, chiếm tới 90% trên tổng sản lượng cà phê của cả nước.
Cà phê Robusta có mùi thơm dịu, vị đắng gắt đặc trưng, không chua, hàm lượng cafein cao, cà phê khi pha có màu nâu sánh. Hạt cà phê Robusta được chia làm hai loại giống khác nhau:
- Hạt cà phê Robusta sẻ (còn gọi là Robusta thuần chủng) có hạt nhỏ nhưng có kết cấu chắc và nặng hạt, hương vị của cà phê Robusta sẻ cũng rất đậm đà, hương vị càng nồng nàn nên ít phổ biến vì chỉ dành cho những người có sở thích cà phê đặc biệt.
- Hạt cà phê Robusta cao sản là loại cà phê Robusta đã được lai tạo sau nhiều thế hệ để có năng suất cao hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Theo đó, hương vị cà phê Robusta cao sản lại bớt đi chút đậm đà, nồng nàn vì vậy dòng cà phê này thường được trồng đại trà để làm nguồn cung cấp cho các công ty sản xuất cà phê hòa tan.
2. Hạt cà phê Arabica
Hạt cà phê Arabica (thường được gọi là cà phê chè), là một trong hai loại cà phê phổ biến nhất trên thế giới, nhưng Arabica là giống cà phê được đánh giá là ngon hơn và hiếm hơn. Cà phê Arabica hiếm vì không dễ trồng được loại cà phê này, vùng đất trồng cà phê Arabica phải đảm bảo các yếu tố như: độ cao, nhiệt độ, khi hậu,… Chính vì khó như vậy nên cà phê Arabica chỉ được trống tương đối ít ở Việt Nam chứ không đại trà như cà phê Robusta. Cà phê Arabica khi trải qua quá trình lên men nó có vị chua rất đặc trưng, xen lẫn là vị đắng, cà phê khi pha sẽ có màu nâu nhạt và trong trẻo như màu hổ phách. Dựa vào một số đặc trưng , cà phê Arabica được chia ra làm 4 loại: Bourbon, Typica, Moka, Catimor.
3. Hạt cà phê Culi
Chính xác thì hạt cà phê Culi không phải là một loại giống cà phê, đây chỉ là tên gọi để phân loại hạt cà phê tươi đặc trưng của cả 2 giống Arabica và Robusta. Cà phê Culi (cà phê Bi – peaberry) chính là những hạt cà phê bị đột biến trong vô vàn những hạt cà phê bình thường. Giữa hàng ngàn những hạt cà phê Robusta, cà phê Arabica có 2 hạt trong một trái sẽ xuất hiện những trái cà phê bị đột biến chỉ có một hạt duy nhất với tỉ lệ đột biến rất thấp, chỉ khoảng 5%. Vì những hạt cà phê đột biến này chứa lượng cafein cao đặc biệt nên sẽ mang đến những hương vị, mùi thơm khác nhau, thường là đắng hơn, béo hơn, đậm đà hơn và vị đắng kéo dài
4. Hạt cà phê Cherry
Hạt cà phê Cherry hay còn gọi là cà phê mít, là một giống cà phê đặc biệt năng suất cực kỳ cao, mất rất ít công chăm sóc, khả năng chống sâu bệnh mạnh mẽ, khả năng chịu hạn cực tốt, thậm chí không cần tưới nước vẫn có thể có thành phẩm. Tuy có ưu điểm vượt trội như vậy nhưng cà phê cherry lại không phổ biến vì hương vị đặc trưng của nó là vị chua, ít vị đắng của cà phê.
Cà phê Cherry có 2 giống chính là Liberica và Exelsa. Hạt cà phê Cherry có màu vàng sáng bóng rất đẹp và đặc trưng, khi pha có mùi thoang thoảng dễ chịu và vị chua đặc trưng tạo cảm giác sảng khoái. Vị chua, ít đắng và mùi thơm nhẹ nhàng biến loại cà phê này trở thành loại cà phê rất phù hợp cho phái nữ.
5. Cà phê Chồn
Ở Việt Nam người ta nuôi cầy vòi hương để làm ra loại cà phê đặc biệt này. Trong quá trình nhai gặm hạt cafe đi qua dạ dày và ruột chồn các enzym men tiêu hóa trong hệ hóa của chồn hương đã thấm vào lớp vỏ trấu đã bị bào mòn, thấm nhẹ vào nhân cà phê đã bẻ gãy các phân tử hương và vị trong cấu tạo hữu cơ của hạt cà phê.
Trên thực tế chất lượng hạt cà phê sau khi qua dạ dày loài cầy vòi hương có thay đổi nhưng không nhiều. Nhìn chung vẫn giữ lại một phần hương vị cà phê nguyên chất, mùi vị của cà phê khi nếm được là vị bùi bùi, dìu dịu vừa ngai ngái, phảng phất mùi của khói và hương vị sô cô la. Nhiều người uống loại cà phê này không chỉ vì hương vị mà còn vì đẳng cấp của nó.
Qua bài viết này, Aeroco Coffee hi vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những loại cà phê có trên thị trường. Cũng như có thể tìm ra loại hạt cà phê mang hương vị mà mình yêu thích.
Nguồn Sưu tầm