Hàng trăm triệu người uống cà phê gần như hàng ngày và câu hỏi hay gặp của nhiều người là cà phê có tốt cho sức khỏe không? Câu trả lời, là có và không.
Trên toàn thế giới, cà phê là đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ hai sau nước lọc ở nhiều quốc gia và là nguồn cung cấp caffeine hàng đầu trong chế độ ăn uống của người bình thường.
Tiến sĩ. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng về việc cà phê tốt hay xấu đối với sức khỏe. Cà phê dường như là con dao hai lưỡi.
“Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo, năng suất và có động lực hơn. Tuy nhiên, đối với một số người, nó lại có tác dụng ngược lại, khiến họ cảm thấy lo lắng, bồn chồn và không thể tập trung. Thực tế, cà phê cũng giàu chất chống oxy hóa và chứa một lượng nhỏ một số vi chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta cần”, TS Giang nói.
Lợi ích sức khỏe của cà phê
Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Một trong những lợi ích sức khỏe hàng đầu của hạt cà phê là đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, thậm chí có thể mạnh hơn ca cao hoặc một số dạng trà.
Nghiên cứu cho thấy một tách cà phê trung bình có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa polyphenol hơn ca cao, trà xanh, trà đen và trà thảo dược.
Theo TS Giang, chúng ta nên nhận phần lớn chất chống oxy hóa từ các nguồn thực phẩm nguyên chất như trái cây và rau quả tươi, nhưng cà phê có thể là một lựa chọn bổ sung tốt khác.
Bảo vệ sức khỏe gan
Một trong những lợi ích khác của việc uống cà phê là nó làm tăng tuần hoàn và có thể kích thích gan. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên Archives of Internal Medicine cho thấy việc tăng tiêu thụ cà phê có liên quan đến tỷ lệ tiến triển bệnh gan thấp hơn ở những người bị viêm gan C.
Trên thực tế, hội chứng gan do rượu đã giảm 20% khi uống một tách cà phê mỗi ngày. Nghiên cứu khác cho thấy cà phê cũng có thể bảo vệ chống lại bệnh xơ gan, bao gồm cả xơ gan do rượu.
Cải thiện hiệu suất thể chất
Một trong những lợi ích ấn tượng nhất của cà phê là khả năng nâng cao hiệu suất thể chất. Nhiều nghiên cứu cho thấy cà phê làm tăng sự tỉnh táo và cải thiện hiệu suất tinh thần và thể chất trong thời gian ngắn.
Theo đó, caffeine trong cà phê thường được sử dụng như một chất hỗ trợ tăng cường sinh lực trước và trong khi tập thể dục kéo dài. Đây là một lý do tại sao các vận động viên sức bền và những người đam mê thể dục thích uống một ít cà phê trước khi tập gym hoặc thi đấu.
Hỗ trợ chức năng nhận thức
Cà phê cũng đã được chứng minh là làm tăng lưu lượng máu đến não, giúp hỗ trợ chức năng nhận thức. Ngoài ra, cà phê và caffeine đã được nghiên cứu rộng rãi như là phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh Alzheimer cũng như các tình trạng thần kinh khác.
Có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Nhiều bằng chứng cho thấy uống cà phê có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một đánh giá lớn khác về 18 nghiên cứu được công bố trên Archives of Internal Medicine cho thấy mỗi tách cà phê tiêu thụ có liên quan đến việc giảm 7% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Cà phê chưa lọc là nguồn cung cấp đáng kể chất chống oxy hóa cafestol và kahweol, là những hợp chất có liên quan đến tác dụng cân bằng cholesterol của cà phê. Ngoài ra, uống cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ suy tim và đột quỵ.
Đặc tính chống ung thư
TS Giang cho biết, nghiên cứu mới nổi cho thấy có thể có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ ung thư. Ví dụ, một đánh giá được công bố trên Scientific Reports lưu ý rằng uống cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm miệng, họng, đại tràng, gan, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung…
Tăng cường đốt cháy chất béo
Một trong những lợi ích lớn nhất của cà phê là giảm cân, nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp tăng cường đốt cháy chất béo và trao đổi chất để tăng cường giảm cân. Theo một nghiên cứu, caffeine có thể tăng cường trao đổi chất trung bình 7% trong vòng 3 giờ sau khi tiêu thụ.
Chúng ta nên giảm thiểu việc sử dụng thêm đường hoặc kem hoặc thay vào đó chỉ dùng cà phê không đường để giảm lượng calo.
Cà phê có những tác dụng phụ gì?
Gây nghiện
Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây tác dụng phụ gây nghiện, dẫn đến quá liều caffeine. Mối nguy hiểm là nó có thể kích thích cơ thể quá mức, đốt cháy tuyến thượng thận của chúng ta và gây mệt mỏi.
Nó cũng có thể dẫn đến đau đầu, lo lắng, khó chịu, khó tập trung, mệt mỏi, các vấn đề về tiêu hóa và thay đổi khẩu vị.
Có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa
Buồn nôn, nôn và tiêu chảy chỉ là một vài tác dụng phụ tiềm ẩn liên quan đến việc tiêu thụ cà phê. Điều này là do tác dụng nhuận tràng của cà phê, do sự giải phóng gastrin, một loại hormone kích thích chuyển động trong đường tiêu hóa.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng caffeine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Có thể làm thay đổi tâm trạng và tăng sự lo lắng
Caffeine trong cà phê có khả năng tác động đến hormone, chức năng dẫn truyền thần kinh, truyền tín hiệu thần kinh và cơ bắp. Điều này đặc biệt đúng nếu chúng ta đang có sẵn các tình trạng sức khỏe như lo lắng, các vấn đề về tim hoặc tiểu đường…
Caffeine làm tăng sự tỉnh táo và kích hoạt giải phóng adrenaline, nên nó có thể làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng và hồi hộp.
Có thể chứa nhiều calo
Mặc dù cà phê đen có lợi trong việc giảm cân và đốt cháy chất béo, nhưng việc nạp nhiều kem và đường có thể khiến lượng calo tăng lên, cuối cùng cản trở việc giảm cân.
Cà phê không được khuyến khích cho một số người
Ở mức độ vừa phải, hầu hết mọi người có thể thưởng thức cà phê một cách an toàn như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, có một số người không nên tiêu thụ caffeine.
“Ví dụ, trẻ em được khuyên nên tránh uống cà phê do nó có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. Cà phê có thể gây mất ngủ, do đó những người bị khó ngủ cần hạn chế, đặc biệt không dùng cà phê vào buổi tối.
Phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế tiêu thụ caffeine ở mức dưới 200mg mỗi ngày để ngăn ngừa những hậu quả bất lợi và dị tật bẩm sinh”, TS Giang cho biết.