Nhằm tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp, du lịch của TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo hướng đô thị, sinh thái, chất lượng cao, thân thiện môi trường, những năm qua thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Kết quả trông thấy
Với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ của tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên, TP. Buôn Ma Thuột vẫn tạo ra nhiều giá trị đóng góp cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh. Cụ thể: Thành phố đã đóng góp khoảng 10,23% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh, trong khi đó chỉ tiêu này bình quân ở các huyện, thị xã khác là 6,67%.
Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực. Rõ nét nhất là thành phố đã tập trung đổi mới, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, theo chuỗi giá trị. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, phù hợp với thị trường, tăng cường kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích…
Nhờ đó, ngành nông nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tăng cao, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp và có hiệu quả, nuôi trồng thủy sản phát triển khá. Công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai thực hiện tốt, không để xảy ra cháy rừng. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành vào năm 2018, góp phần đưa giá trị gia tăng của ngành nông, lâm, thủy sản tăng. Chất lượng cuộc sống người dân ở nông thôn được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Hiện nay, nông nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố đã được thực hiện trên nhiều khía cạnh như: Trồng xen canh, sản xuất theo mô hình VAC hay sản xuất theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường. Trên địa bàn đã xuất hiện các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ như: Tổ hợp tác sản xuất cà phê Đồng Tâm (Ea Kao) đã liên kết sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ; Công ty TNHH Niconico Yasai liên kết một số hộ dân và trang trại sản xuất rau hữu cơ. Trong chăn nuôi, các trang trại liên kết với các công ty chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng các quy trình công nghệ khép kín, đầu tư công nghệ lạnh.
Đặc biệt, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã hình thành và phát triển những mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái có giá trị kinh tế cao. Người nông dân vừa tiến hành sản xuất, vừa tổ chức các dịch vụ du lịch đã thu hút nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, thành phố cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù trên địa bàn chưa có các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhưng hiện nay đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp
Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Tỉnh ủy và Thành ủy về xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị xanh, sinh thái, là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,…), cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè),…
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP. Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số với trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, gắn với phát triển nông nghiệp, hệ thống logistics thông minh và kinh tế cửa khẩu. Song song với đó là phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hoá gắn với các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên theo hành lang quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa.
Ngoài ra, thành phố định hướng phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá Tây Nguyên, trong đó TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật chia sẻ, với mong muốn đồng hành, kết nối với sản phẩm cà phê, đề ra các tầm nhìn chiến lược để Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới – một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, kinh doanh, du lịch… Đồng thời phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, thành phố đã và đang xây dựng Đề án Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; khai thác các giá trị văn hóa của địa phương gắn với các di tích quốc gia”. Đề án này có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc xây dựng TP. Buôn Ma Thuột có tính khác biệt, trở thành đô thị cà phê xanh – sinh thái – thông minh mang bản sắc Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp TP. Buôn Ma Thuột theo hướng đô thị, sinh thái, chất lượng cao, thân thiện môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển bền vững kinh tế, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện và nhân rộng Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới; làm thay đổi được nhận thức để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của tất cả các bên liên quan; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Hy vọng, với những nỗ lực, tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Buôn Ma Thuột cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Buôn Ma Thuột sẽ sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt là phát triển được nền nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các quy trình, thủ tục khi phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập Tổ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột làm Tổ trưởng.
Theo Báo Dân Việt