Sản xuất theo hướng chất lượng cao và đặc sản: Cơ hội để cà phê Việt khẳng định vị thế

Cả nước hiện có 700.000 hecta cà phê, sản lượng trên 1,7 triệu tấn. Việt Nam đang là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu. Tuy nhiên từ bao lâu nay, cà phê Việt Nam luôn đứng ngoài danh sách các quốc gia có thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Nguyên nhân là vì cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô, sau đó đấu trộn với cà phê từ các nước khác để chế biến thành phẩm, nên người tiêu dùng tại nhiều quốc gia ít biết đến cà phê Việt Nam.

Hiện nay, thế giới tiếp cận không chỉ vì đó là một loại thức uống đơn thuần. Nhiều giá trị kinh tế từ cà phê như dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc nhuộm, sợi vải dùng cho may mặc cũng có thể làm từ cà phê. Chuyển đổi đầu tư sản xuất, kể những câu chuyện mới mẻ về cà phê, cũng là cách để tạo nên sự khác biệt, ghi dấu ấn trong quá trình xây dựng thương hiệu. Và khi thương hiệu cà phê Việt Nam tăng lên, giá trị hạt cà phê cũng sẽ tốt hơn.

Xây dựng thương hiệu cà phê, trước hết phải xuất phát từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ nhiều năm nay lựa chọn giống chất lượng cao để cải tạo cây già cỗi, canh tác thuận tự nhiên, thu hoạch trên 90% quả chín hay áp dụng những phương pháp chế biến honey, natural, chế biến ướt… là những giải pháp mà nhiều hộ nông dân Tây Nguyên đang áp dụng để nâng cao chất lượng.

Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ công bằng EaTu Đắk Lắk đánh giá: “giá trị cà phê tăng thêm khi hái chín là từ 10 đến 15 triệu đồng/ tấn nhân. Từ đó bà con mới hướng đến sản xuất tốt, hái trái tươi và chín 100%.”

Cà phê chất lượng cao của Việt Nam hiện đã đạt 36% tổng diện tích, 51% sản lượng và gắn được với những chứng nhận quốc tế như Fairtrade, rainforest Alien, USDA Organic…. Được định vị là sản phẩm chất lượng cao gắn với nguồn gốc, chứng nhận chất lượng và được kiểm soát. Cách tiếp cận này cho phép ngành cà phê phát triển tổng thể dựa trên vai trò của doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối giữa sản xuất chế biến và thị trường. Nhờ đó cà phê chất lượng cao có thể tạo ra giá trị gia tăng không nhỏ cho nông dân.

Ông Vũ Đình Hoàn, trưởng phòng kinh doanh HTX Minh Toàn Lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết: “theo tôi, chứng nhận là một phần giúp chúng tôi thay đổi nhận thức của nông dân. Giảm chi phí vật tư đầu vào, tăng năng suất và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Phần lợi ích mang lại cho hợp tác xã nhưng mang lại cho người nông dân nhiều hơn”

Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX cà phê EaTân tỉnh Đắk Lắk: “Khi áp dụng phương thức canh tác mới, người nông dân giảm được chi phí đầu vào như bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí tưới, nhân công… HTX tính toán, mỗi thành viên giảm được chi phí đầu vào 20%. Nông dân canh tác bài bản và chuyên nghiệp, tạo nên vùng nguyên liệu lớn. Các sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, đã tạo sự chú ý và niềm tin cho các nhà đầu tư chế biến.”

Trước đây, cà phê cung ứng cho các nhà máy chế biến chỉ chiếm từ 5 – 7% tổng sản lượng cà phê cả nước, nhưng nay đã tăng lên 17%. Điều này cho thấy ngành cà phê Việt Nam đang có xu hướng tăng sản phẩm chế biến sâu trong cơ cấu xuất khẩu.

Ông Trần Văn Hùn, đại diện FairTrade tại Việt Nam: “Những năm gần đây, chúng tôi tập trung nhiều vào việc chế biến sâu sau thu hoạch. Chúng tôi mở các lớp cho nông dân và mời các chuyên gia hàng đầu trong việc đào tạo để đảm bảo sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.”

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư An Thái: “Bằng những phương pháp chế biến chất lượng cao, chúng ta lấy ra được những hương vị, kích hoạt được những đặc sắc, chất lượng cao cấp. Từ đó giúp người tiêu dùng cảm nhận, thưởng thức giá trị tuyệt vời của hạt cà phê.”

Việt Nam đang xuất khẩu hai dòng cà phê chế biến sâu, là rang xay chiếm tỷ trọng 4% và hòa tan chiếm tỷ trọng 13%. Những con số này đang còn rất khiêm tốn, cho thấy dư địa của các sản phẩm chế biến sâu còn rất lớn để các doanh nghiệp khai thác. Bởi tỷ lệ chế biến sâu là cách để tăng nhận diện thương hiệu của cà phê Việt Nam. Khi các nhà sản xuất có thể mang sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng cục xúc tiến thương mại bộ Công Thương: “Xây dựng quảng bá và phát triển cà phê chất lượng cao của Việt Nam gắn với các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Hiện nay đề án này đã được xây dựng hoàn chỉnh và được bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trình lên thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ Khoa Học & Công Nghệ sẽ phối hợp để quảng bá thế nào là cà phê chất lượng cao, cũng như quảng bá các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể.”

Việt xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam còn được các doanh nghiệp chủ động trong tìm hiểu nhu cầu khách hàng, từ đó đa dạng phương thức tiếp cận. Dù là khách hàng ở phân khúc nào, cũng có thể sử dụng cà phê Việt Nam.

Trên thị trường cà phê toàn cầu hiện nay, cà phê đặc sản còn khá mới nhưng nhiều tiềm năng khi giá bán cao và sản lượng cho nhiều. Vì vậy, phát triển cà phê đặc sản là chiến lược của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Giới thiệu phương pháp chế biến cà phê đặc sản tại trang trại. Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo FarmCare cho biết: “Cà phê đặc sản phải được chế biến từ những trái cà phê chín tối thiểu 95%. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống, chăm sóc theo hướng hữu cơ đến sơ chế, chế biến, rang xay… mới có thể cân bằng hương vị của trái cà phê chín.”

Ông nói thêm: “họ rất thích vì được thưởng thức ly cà phê ngon của Việt Nam. Trước đây, họ không có suy nghĩ cà phê Việt Nam ngon như vậy. Thời gian gần đây, họ đã thay đổi nhiều suy nghĩ, tôi nghĩ không chỉ riêng doanh nghiệp tôi mà còn nhiều doanh nghiệp đều có thêm niềm vui và niềm tin về phong trào làm cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản sẽ bùng nổ trong tương lai.”

Sản xuất cà phê đặc sản giờ đây không còn là hướng đi của doanh nghiệp, mà đã trở thành bình thường chung của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông qua đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Vùng nguyên liệu được xây dựng tại 8 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 hecta, chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích cả nước.

Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục trồng trọt Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Chúng ta xác định những vùng để trồng cà phê chất lượng cao và đặc sản, chỉ định các xã của vùng ấy có chính sách hỗ trợ hoặc giải pháp để phát triển vùng cà phê đặc sản. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai nhân giống chất lượng cao và giống đặc sản. Đồng thời, có bộ quy trình từ canh tác đến chế biến và các nội dung khác để đưa cà phê đặc sản đạt được các tiêu chí và quy định”

Để thương hiệu được giữ vững phong độ, không thể thiếu các chiến dịch truyền thông. Những buổi tọa đàm, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển thương hiệu cà phê chất lượng cao nói chung và cà phê đặc sản nói riêng đã không còn xa lạ với những người đam mê và yêu thích cà phê Việt Nam. Có thể thấy, hầu như tất cả những người tham dự chủ yếu là những người trẻ. Họ có thể đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp từ cà phê, hay đơn giản là thêm hiểu biết về giá trị của cà phê. Những kiến thức mà các chuyên gia chia sẻ đều dựa trên những tiêu chuẩn của hiệp hội cà phê đặc sản thế giới. Nhằm hướng đến tính chuyên nghiệp. Để từ đó, hạt cà phê của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với thói quen thưởng thức của bạn bè quốc tế và tăng sức tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước.

Sản xuất theo hướng chất lượng cao và đặc sản: Cơ hội để cà phê Việt khẳng định vị thế
Cà phê đặc sản

Cà phê trước nay luôn được nhắc đến xoay quanh câu chuyện sản xuất ra sao, chế biến như thế nào. Tuy nhiên, sự sáng tạo trong cách rang xay phối trộn, pha chế cũng không kém phần quan trọng. Mỗi tách cà phê đều có thể mang lại cho người thưởng thức một hương vị riêng và nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Đây là bước cực kỳ quan trọng góp phần đưa những câu chuyện kể về cà phê Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng. Để từ đó, hạt cà phê Việt Nam có thể trở thành bản sắc văn hóa, thu hút người tiêu dùng. Đây cũng là thông điệp từ cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023, truyền tải đến những người yêu và đam mê cà phê.

Trở về Việt Nam sau 3 năm học tập và thực hành pha chế ở Australia. Anh Hồ Duy Thắng đã mang tới cuộc thi một sản phẩm sáng tạo với những kỹ năng thành thục. Tuy nhiên, điều đặc biệt trong thức uống của Thắng nằm ở câu chuyện về hạt cà phê mộc mạc của quê hương.

Anh cho biết: “sản phẩm tôi dùng ngày nay là cà phê Arabica từ Quảng Trị và trộn với cà phê Robusta Đắk Nông. Điểm đặc biệt là Arabica tỉnh Quảng Trị, vùng đất miền Trung rất ít người biết đến. Nhưng chủ nhân của nó đã rất cố gắng để phát triển giống cà phê này và chất lượng rất tốt. Nên tôi muốn mang tới đây để giới thiệu nhiều hơn tới mọi người.”

Sự khác biệt giữa hạt cà phê đặc sản và thông thường nằm ở độ chín của trái cà phê khi thu hái. Cà phê đặc sản sẽ có hương thơm trái cây chín mọng, được lên men tự nhiên, vị đắng, hậu ngọt cân bằng đầy đủ trong từng tách.

Những hạt cà phê đặc sản mà người nông dân nâng niu, qua bàn tay khéo léo và những tư duy độc đáo của người pha chế, đã trở thành những ly cà phê hảo hạng. Từ đây, cà phê đặc sản đến gần với người yêu thích cà phê, được công nhận và tôn vinh về giá trị cũng như chất lượng.

Anh Tạ Tuấn Anh, thí sinh dự thi chia sẻ: “để làm nổi bật hương vị của cà phê, chúng ta phải chuẩn bị tốt hương vị của cà phê. Từ năm 2016 đến nay, tôi đã uống nhiều loại cà phê Việt Nam từ nhiều khu vực khác nhau, mỗi năm trôi qua mọi người đã dùng cách sơ chế mới, cải tiến trong chất lượng, trồng trọt và giống. Hương vị của cà phê cũng phong phú hơn, tôi thấy mọi người vẫn đang tiếp tục làm tốt”. 

Ông Nguyễn Tấn Vinh, trưởng ban Giám khảo cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023: “Các bạn mang đến đây cà phê của nhiều vùng miền khác nhau. Điều này chứng tỏ các bạn đã đến những nông trại xa xôi, không chỉ những hạt cà phê nước ngoài và các bạn mang đến để phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam. Đây là tín hiệu cho thấy cà phê đặc sản đang phát triển.” 

Cùng với những nỗ lực của người nông dân. Các nhà rang xay, chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực định vị cà phê không những là sản phẩm quốc gia, mà còn có thương hiệu, có vị trí cao hơn trên bản đồ cà phê thế giới bằng cách tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mai, mở rộng thị trường, đăng ký bảo hộ quốc tế các chi nhánh địa Lý và nhãn hiệu tập thể như “Buôn Ma Thuột coffee”, “Đắk Hà coffee” hay xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”.

Theo Dùng Hàng Việt

Trang chủ
Chứng nhận
Đặc sản
Trải nghiệm
Liên hệ