Liên kết chuỗi giá trị cà phê Việt Nam chất lượng cao

Nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị cà phê Arabica và Robusta theo định hướng chất lượng cao được hình thành tại các vùng sản xuất cà phê chính ở Tây Nguyên, Tây Bắc.

Cà phê Việt thua thiệt về giá trị xuất khẩu

Những năm gần đây, mặc dù ngành hàng cà phê của nước ta có những bước phát triển nhanh chóng cả về diện tích và sản lượng, song cà phê Việt Nam vẫn gặp thua thiệt lớn về giá trị xuất khẩu.

Nguyên nhân chính là do cà phê xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, phần lớn trở thành nguồn nguyên liệu của nhiều nước sản xuất khác. Cà phê nhân Việt Nam được các nước nhập khẩu, trải qua quá trình chế biến sâu và được tái xuất dưới dạng cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê đóng lon…

Liên kết chuỗi giá trị cà phê Việt Nam chất lượng cao
Mặc dù có chất lượng tốt nhưng cà phê Việt Nam vẫn gặp thua thiệt về giá trị xuất khẩu.

Các hiệp định thương mại được ký kết đã mở ra cơ hội cho ngành cà phê tăng cường xuất khẩu sang các thị trường thành viên do mức thuế suất được cắt giảm về 0% ngay lập tức hoặc theo lộ trình cho cà phê chế biến.

Thách thức đặt ra cho ngành cà phê khi tham gia các hiệp định là tăng cường chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, đòi hỏi ngành cà phê phải hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – thương mại sản phẩm chất lượng cao gắn liền với xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê chất lượng cao cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Từ những năm 1990, khi cà phê được trồng rộng rãi ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều viện nghiên cứu cây giống nông nghiệp đã nghiên cứu lai tạo nhiều giống cà phê khác nhau, có sức tăng trưởng, khả năng thích ứng với đất và khí hậu, khả năng kháng sâu bệnh với năng suất cao. Tiếp đến là khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Để có cà phê chất lượng cao, nhất thiết phải lựa quả chín đỏ hay vừa chín tới, không được thu hoạch quả xanh, quả sâu, quả lép, quả chín khô trên cây. Các phương pháp chế biến cà phê bao gồm chế biến khô, chế biến bán ướt và chế biến ướt, mục đích là làm giảm hàm lượng nước của quả từ 70% xuống dưới 13% để lưu giữ lâu dài.

Phát triển sản phẩm hàng hóa dựa vào công nghệ mới

Trong định hướng phát triển bền vững ngành hàng cà phê, đa dạng hóa sản phẩm “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, hướng tới chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020 tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010. Mục tiêu của Chương trình là hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam dựa vào công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” (thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020) theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN ngày 15/11/2017.

Liên kết chuỗi giá trị cà phê Việt Nam chất lượng cao
Cần phát triển bền vững ngành hàng cà phê, đa dạng hóa sản phẩm “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, hướng tới chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất.

Nhằm cụ thể hóa các giải pháp, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu của Đề án trên, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao”.

Mục tiêu của Đề tài bao gồm: Xác định hiện trạng vùng, cơ cấu giống, tổ chức sản xuất, chế biến, các sản phẩm cà phê, mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cà phê và đề xuất định hướng phát triển liên kết chuỗi giá trị cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Đồng thời, xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê chất lượng cao tại các vùng sản xuất cà phê chính (Tây Nguyên, Tây Bắc) và đề xuất chính sách và cơ chế liên kết, vận hành, tổ chức thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Mô hình liên kết chuỗi giá trị cà phê Arabica và Robusta

Các đơn vị đã xây dựng 4 mô hình liên kết chuỗi giá trị cà phê Arabica và Robusta theo định hướng chất lượng cao tại các vùng sản xuất cà phê chính tại Tây Nguyên và Tây Bắc, bao gồm: Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến cà phê nhân và rang xay chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), Công ty TNHH Hồ Phượng Lâm Đồng, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.

Liên kết chuỗi giá trị cà phê Việt Nam chất lượng cao
Dự án đã thay đổi thực hành sản xuất cà phê chất lượng cao cho nông dân.

Thông qua các hoạt động can thiệp triển khai được triển khai, đã mang lại những hiệu quả tích cực cho mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Thứ nhất, đó là sự thay đổi thực hành sản xuất. Nông dân biết lựa chọn giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, chăm sóc cây cà phê theo các kỹ thuật mới được tập huấn, kỹ thuật thu hái cà phê mới nhằm nâng cao chất lượng hạt, thu hái tăng tỷ lệ quả chín, sơ chế và vận chuyển đáp ứng vận chuyển tươi trong ngày và sơ chế, lưu trữ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến ngay sau khi thu hái, sau khi thu hoạch…

Thứ hai, các hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất cà phê an toàn, bền vững, cải thiện chất lượng sản phẩm cà phê và giúp cà phê của hộ được doanh nghiệp thu mua với mức giá cao hơn giá chung của thị trường từ 100 – 300 đồng/kg.

Cùng với đó, các mô hình đã lan tỏa đến các hộ dân, địa bàn khác. Cụ thể, mô hình liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao đã tạo được niềm tin cho người sản xuất vào hợp tác xã và doanh nghiệp thông qua thực hiện biên bản hợp tác. Hiệu quả của mô hình là cơ sở để chính quyền địa phương, các bên tham gia (doanh nghiệp, nông dân, tổ chức nông dân) tiến hành đánh giá, tổng kết bài học kinh nghiệm và nhân rộng.

IPSARD đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” cho 3 nhóm sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột, bao gồm: Xây dựng biểu trưng cà phê chất lượng cao (logo), bộ tiêu chí về sản phẩm gắn với sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cà phê chất lượng cao.

Viện cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao và nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, sẽ tiến hành chuyển giao và thử nghiệm nhãn hiệu gắn với các mô hình giá trị tại 04 tỉnh trọng điểm cà phê của Việt Nam (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và Sơn La).

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Trang chủ
Chứng nhận
Đặc sản
Trải nghiệm
Liên hệ