Doanh nghiệp Đắk Lắk đổi mới sáng tạo trong chuỗi sản xuất cà phê

Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê ở Đắk Lắk đã xây dựng chiến lược riêng để nâng cấp sản phẩm, đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị cà phê. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận mạo hiểm đầu tư kinh phí rất lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại sản xuất ra những sản phẩm được chế biến sâu từ hạt cà phê…

Nhiều sản phẩm mới lạ

Gắn bó với lĩnh vực sản xuất cà phê đã khá lâu, tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của anh Nguyễn Đình Viên – Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là làm sao tối ưu hóa quy trình sản xuất cà phê tạo ra sản phẩm mới lạ từ nguyên liệu cà phê trồng Buôn Ma Thuột. Từ nền tảng sản xuất cà phê bột hiện có, anh Nguyễn Đình Viên đã quyết tâm thay áo mới cho sản phẩm của mình bằng “Rượu cà phê” “Vang cà phê” để hướng tới xuất khẩu.

Dây chuyền sản xuất cà phê hiện đại tại trang trại của Công ty TNHH PM Coffee

Anh tâm sự: “Năm 2016, tôi quyết định nghiên cứu, tìm tòi cách sản xuất rượu cà phê nguyên chất ở thế giới. Bởi, khâu chế biến sâu hạt cà phê sau thu hoạch vẫn cần khai thác, phát triển (thay vì các sản phẩm thô) nhằm khẳng định thương hiệu loại nông sản bao năm qua vốn là thế mạnh của Đắk Lắk. Tôi dành 3 năm để nghiên cứu, thẩm định cho ra đời Rượu cà phê không quá nặng, có mùi hương trái cây nhưng khi uống đến thanh quản sẽ phảng phất hương vị cà phê đặc trưng”.

Thu hoạch cà phê chín tại trang trại của Công ty TNHH PM Coffee

Quá trình sản xuất sản phẩm này tốn rất nhiều công sức, trái cà phê phải được chọn lựa kỹ, ủ lên men. Trái cây tươi dùng để tạo hương vị đúng mùa. Đặc biệt, rượu gạo phải nấu hoàn toàn thủ công không lấy hàng công nghiệp để đảm bảo chất lượng. Ba loại cà phê phổ biến nhất là Arabica, Culi, Robusta được dùng để chế biến loại rượu. Việc khử được chất cafein có trong hạt cà phê là điều kiện cốt lõi để tạo nên sự thành công cho sản phẩm.

Nhà màng phơi Công ty TNHH PM Coffee

“Hiện nay, sản phẩm rượu cà phê đã được khách hàng trong nước đón nhận và yêu thích mùi vị. Tuy nhiên, công ty vẫn đang hoàn thiện quy trình sản xuất và mới chỉ đáp ứng thị trường trong nước, song hành cả bộ sản phẩm gồm rượu cà phê và vang cà phê. Sắp đến, tôi sẽ phối hợp với một doanh nghiệp Nhật Bản để đưa loại rượu này xuất sang thị trường xứ sở “hoa anh đào”- anh Viên chia sẻ.

Cùng chọn khởi nghiệp từ ngành chế biến cà phê, anh Lê Đình Tư – Giám đốc Công ty TNHH Minudo farm – care (xã EaKao, TP.Buôn Ma Thuột) đã chấp nhận mạo hiểm, đầu tư trang thiết bị để chế biến cà phê gắn với thương hiệu “Trà cascara”. Quá trình nghiên cứu sản phẩm này được anh ấp ủ trong 3 năm tại ngay tại trang trại cà phê do bản thân đầu tư, xây dựng.

Công nhân Công ty TNHH Minudo farm – care (xã EaKao, TP.Buôn Ma Thuột) lựa chọn nguyên liệu cà phê trước khi chế biến

Anh Tư bày tỏ: “Chế biến cà phê đã đến lúc cần phải tư duy sáng tạo và cách điệu để thích nghi với thị trường tiêu dùng. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại, đơn vị tiến hành kiểm định chất lượng, giữ vững hương tự nhiên vốn có. Việc nâng cao chuỗi giá trị chế biến cà phê là điều mà tôi luôn tâm niệm. Ngoài ra, người nông dân phải có thu nhập ổn định, tạo ra giá trị công bằng cho cộng đồng. Nguyên liệu công ty thu mua chế biến giá cao so với thị trường”.

“Cascara” là tiếng Tây Ban Nha, để biểu thị hạt cà phê bóc vỏ rồi chế biến thành thức uống khác nhau. Trước đó, Đắk Lắk đã có doanh nghiệp làm trà cà phê, vang cà phê. Nhưng để có dòng trà đặc sản từ vỏ cà phê thì người chế biến phải am hiểu về mùi, máy rang và sử dụng cà phê trồng ở vùng đất nào, phụ phẩm từ cà phê cũng quyết định độ ngon của thành phẩm. Hiện nay, “Trà Cascara” đã được anh Tư xuất đi các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. anh Lê Đình Tư – Giám đốc Công ty TNHH Minudo farm – care (xã EaKao, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết.

Đến nay, trong 4 sản phẩm của Trang trại cà phê Aeroco gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt cà phê bột, cà phê túi lọc thì “Trà Cascara” được người tiêu dùng các tỉnh, thành đón nhận. Điều đặc biệt làm nên hương vị của “Trà cascara” là nguyên liệu được tuyển chọn từ hạt cà phê chín đỏ, trồng theo phương thức hữu cơ theo quy trình khép kín từ chăm sóc đến chế biến. Giá thành một ký “Trà Cascara” thành phẩm khoảng 3 triệu đồng.

Trong tương lai, anh Lê Đình Tư dự định sẽ kết nối trang trại tạo chuỗi sản xuất, chế biến chuyên sản xuất cà phê cao cấp, cà phê đặc sản và làm du lịch canh nông. Bên cạnh đó, anh Tư đang hoàn thiện quy trình, trang thiết bị cần thiết cho ra đời sản phẩm “sirô cà phê”, đào tạo miễn phí cho người nông dân trong chế biến cà phê đặc sản.

Chính quyền đồng hành để mở rộng thị trường

Theo nhận định của doanh nghiệp, những sản phẩm được chế biến sâu từ loại nông sản này rất được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng được đảm bảo, mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền…Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp ở địa phương này vẫn đang hoạt động độc lập; công tác phối hợp của với chính quyền địa phương để tạo ra chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường tiềm năng để có đầu ra cho sản phẩm vẫn còn hạn chế. Vì lẽ đó, rủi ro thất bại khá cao nếu doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính vững vàng, một khi có biến động của thị trường sẽ rất khó xoay sở.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà tìm hiểu sản phẩm cà phê tại Hội chợ triển lãm khu vực miền Trung – Tây Nguyên – Đắk Lắk năm 2020

Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk – nhận định: Đổi mới sáng tạo chính là để vượt qua những khó khăn, thách thức; nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đến cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như cải thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà ngành cà phê đang đối mặt hiện nay.

Do đó, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đang trình UBND tỉnh duyệt đề cương phát triển, nâng tầm trái cây, nông sản địa phương để có chỗ đứng vững vàng trong nước và đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế. Sở Công Thương dự kiến sẽ mời thêm các chuyên gia tư vấn, làm một cách bài bản, phải có tính khả thi; tập trung huy động nhiều nguồn lực để thực hiện đề án. Ngoài ra, đơn vị này sẽ mời thêm các doanh nghiệp lớn ở tỉnh tư vấn, gợi ý để triển khai đề án một cách có hiệu quả.

“Các sản phẩm nông sản được chế biến sâu ở địa phương, đặc biệt là cà phê thời gian đến có thể sẽ hướng đến thị trường tiềm năng như Trung Quốc. Phía Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) hứa sẽ kết nối Đắk Lắk với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) để mời gọi thương nhân trung quốc vào thị trường Việt Nam, biết đến nông sản địa phương. Ngược lại, doanh nghiệp địa phương cũng có thể phối hợp với cơ quan chức tìm kiếm thêm đối tác, thị trường tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp Đắk Lắk vẫn có thể đầu tư công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng, cải thiện chất lượng sản phẩm ở mức cao nhằm hướng đến thị trường như EU và Hoa Kỳ. Để làm được điều đó, chính quyền sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng bản thân họ phải liên kết với nhau để tạo sức bật”, ông Khôi nhấn mạnh.

Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Trang chủ
Chứng nhận
Đặc sản
Trải nghiệm
Liên hệ