Cà phê có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và chống lại bệnh Alzheimer.
Các nghiên cứu đã chỉ ra uống cà phê “đúng liều lượng” có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, thậm chí cả bệnh thận. Nhưng liều lượng cà phê thích hợp là bao nhiêu?
Zoe Tsui, chuyên gia dinh dưỡng tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết về cơ bản, con người có thể uống tới 5 tách cà phê mỗi ngày, tương đương tiếp nhận 300 mg caffeine/ngày. Số lượng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào cách pha”.
“Đây là lý do chúng tôi thường khuyên người uống rượu nên giới hạn bản thân ở một đến hai cốc cà phê mỗi ngày. Điều này có thể giảm thiểu tác nhân gây hại đến sức khỏe”, bà nói.
Bà Zoe Tsui cho biết thêm cà phê thường có thêm đường và sữa. Vì thế, bạn nên hạn chế, chỉ uống 1-2 cốc mỗi ngày để giảm thiểu lượng chất béo và đường nạp vào cơ thể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra caffeine có thể có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, bà Zoe Tsui lại cảnh báo caffeine có thể gây ra một số phản ứng tiêu cực như mất ngủ, lo lắng hoặc đau dạ dày.
“Tôi không ép ai đó thêm cà phê vào chế độ ăn uống của họ nếu họ không thích. Nhưng nếu việc tiêu thụ cà phê không có tác động tiêu cực nào đối với họ, uống 1-2 tách mỗi ngày có thể sẽ có lợi”, bà Zoe Tsui nói.
Sự gia tăng nhập khẩu hạt cà phê ở Hong Kong trong vài thập kỷ qua cho thấy người dân nơi đây ngày càng thích cà phê. Các nghiên cứu chỉ ra uống cà phê đen rang có thể ngăn ngừa tổn thương DNA do oxy hóa – tác nhân có thể dẫn tới ung thư.
Cà phê không chỉ có hàm lượng caffeine cao mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa. Một trong hai, hoặc cả hai thành phần này, đã được phát hiện để giúp ngăn ngừa nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bảy căn bệnh được nêu dưới đây.
Bệnh tim
Bà Zoe Tsui nói: “Đây là lợi ích sức khỏe được trích dẫn nhiều nhất của cà phê, chủ yếu là do caffeine”.
Một nghiên cứu được công bố hồi cuối tháng 9 trên tạp chí ở châu Âu về phòng ngừa bệnh tim mạch cho thấy uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày có thể góp phần ngăn ngừa bệnh tim mạch và tử vong sớm.
Người uống 2-3 tách cà phê/ngày có tỷ lệ tử vong sớm giảm so với người không uống cà phê. Cụ thể, uống cà phê xay giúp giảm 27% nguy cơ tử vong, tiếp theo là 14% đối với cà phê không chứa caffeine và 11% đối với cà phê hòa tan có chứa caffeine.
Bệnh tiểu đường loại 2
Bà Zoe Tsui chỉ ra hàm lượng chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol trong cà phê có thể làm giảm oxy hóa. Mặt khác, nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Trong một nghiên cứu gần đây, việc tăng lượng tiêu thụ cà phê mỗi ngày lên một tách sẽ giảm 11% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 so với người không uống thêm. Giảm một tách hoặc hơn khiến nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cao hơn 17%.
Bà Tsui nhắc nhở tránh thêm đường hoặc siro vào cà phê khi uống.
Bệnh Parkinson
Các nghiên cứu đã chỉ ra caffeine và chất chống oxy hóa trong cà phê không những giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson mà còn có thể giúp những người mắc bệnh kiểm soát chuyển động của họ tốt hơn.
Sức khỏe gan
Uống cà phê thông thường hay loại không chứa caffeine có thể giúp bảo vệ gan. Nghiên cứu cho thấy người uống cà phê có chỉ số men gan ở mức khỏe mạnh hơn người không uống cà phê.
Ung thư ruột kết
Các nhà nghiên cứu phát hiện người uống cà phê decaf (cà phê được loại bỏ ít nhất 97% hàm lượng caffeine) hoặc cà phê thông thường ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng tới hơn 26%.
Những người uống từ hai tách cà phê không chứa caffeine trở lên mỗi ngày có nguy cơ ung thư ruột kết và trực tràng thấp hơn so với người không uống cà phê đã khử caffeine. Trong khi đó, những người uống hai tách cà phê có chứa caffeine trở lên có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn, nhưng không phải ung thư ruột kết.
Bệnh Alzheimer
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience cho thấy uống cà phê thường xuyên làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và có thể ngăn ngừa Alzheimer.
Điều này có thể là do cà phê làm chậm sự tích tụ amyloid, thường phát triển đầu tiên ở các vùng não liên quan đến trí nhớ và các chức năng nhận thức khác.
Đột quỵ
Tại Hong Kong, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư với 3.164 trường hợp tử vong được ghi nhận năm 2020.
Một đánh giá có hệ thống gần về hơn 21 nghiên cứu liên quan đến 2,4 triệu người cho thấy uống 3-4 tách cà phê mỗi ngày giảm 21% nguy cơ đột quỵ.
Theo Tạp chí Tri thức