Giá trị của thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao không chỉ là hương, vị mà còn là khía cạnh văn hóa, xã hội của cộng đồng người trồng cà phê.
Cú hích từ Đề án phát triển cà phê bền vững
Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê nhưng đứng đầu xuất khẩu cà phê nhân Robusta. Năm 2021, diện tích canh tác cà phê cả nước là 710.600ha, trải rộng trên 20 tỉnh, trong đó diện tích cho thu hoạch là 653.200ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1,845 triệu tấn.
Sản lượng xuất khẩu giai đoạn 2015 – 2021 giao động trong khoảng 1,2 – 1,68 triệu tấn cà phê các loại, tương đương với kim ngạch xuất khẩu từ 2,3 – 3,9 tỷ USD. Cà phê nhân của Việt Nam đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 10% thị phần thị trường cà phê nhân thế giới.
Việt Nam đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hoá lớn, tạo việc làm và thu nhập cho gần 600 nghìn hộ nông dân.
Nhìn chung, từ cả chính sách đến hành động, ngành cà phê đang thay đổi để hướng đến một nền sản xuất hiệu quả, bền vững, cung cấp cà phê chất lượng cao ra thị trường.
Trong đó, tại Đề án phát triển cà phê bền vững đến 2020, Bộ NN-PTNT đã xác định các giải pháp chiến lược từ sản xuất, chế biến đến thương mại như quy hoạch vùng sản xuất cà phê trọng điểm, vùng cà phê chất lượng cao (khoảng 25% diện tích cà phê chè tại Lâm Đông, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên).
Song song đó, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo cà phê; chuyển đổi cơ cấu giống; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững (UTZ, Rainforest, 4C, VietGAP…); quản lý hệ thống thu mua, tăng tỷ lệ chế biến ướt lên 30%, đa dạng sản phẩm cà phê chế biến như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê 3 trong 1, cà phê lon…
Không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa lên 15%, Đề án cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê đặc thù như cà phê Buôn Ma Thuột, Sơn La, Di Linh, Cầu Đất…, nâng cao chất lượng và bảo hộ những giá trị đặc thù bản địa của cà phê.
Cà phê có chứng nhận còn quá ít
Định hướng nâng cao chất lượng cà phê được cụ thể hóa thông qua phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” tại Quyết định số 4653 ngày 15/11/2017 của Bộ NN-PTNT với các can thiệp tổng thể, đồng bộ từ giống, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, xây dựng mô hình liên kết, hỗ trợ phát triển thị trường, thương mại hóa và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”.
Tuy vậy, mục tiêu sản xuất cà phê bền vững, chất lượng cao của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đầu tiên là diện tích cà phê già cỗi lớn (140.000 – 160.000ha) cần phải tái canh, ghép cải tạo. Nông dân sử dụng quá mức đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, nước tưới) trong sản xuất cà phê, dẫn đến tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế.
Mặc dù năng suất cà phê của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong các nước trồng cà phê (trung bình 2,3 tấn/ha), nhưng diện tích cà phê có chứng nhận thấp hơn so với Brazil và Columbia (chiếm khoảng 30% tổng diện tích canh tác cà phê).
Trong các loại chứng nhận, 4C là chứng nhận có quy mô áp dụng lớn nhất (khoảng 24% tổng diện tích), đứng tiếp sau là UTZ (6,61%), Rainforest (0,82%) và VietGAP có diện tích chứng nhận không đáng kể. Mặt khác, liên kết trong sản xuất cà phê còn yếu, chủ yếu ở các mô hình, mới chỉ có 1% hộ trồng cà phê quy mô nhỏ tham gia HTX.
Trong công đoạn thu mua, các doanh nghiệp chế biến ít khi mua cà phê trực tiếp từ các nông hộ nên khó khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Hệ thống thu mua cà phê không khuyến khích nông dân làm tốt bởi họ không được trả mức giá tương xứng.
Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động vào mùa thu hoạch cũng làm cho việc thu hái quả chín trở nên khó hơn. Nhiều nông hộ thực hiện chế biến cà phê thóc tại nhà với công nghệ hạn chế, khó đảm bảo chất lượng.
Về thương mại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, cà phê Việt Nam được trộn lẫn với cà phê từ các nước khác để chế biến nên người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt Nam. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, nên dù đứng thứ hai về sản lượng xuất khẩu cà phê, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị.
Ngoài các hạn chế về nhận thức của nông dân, nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, tái canh, chứng nhận, sự điều phối và hợp tác trong thương mại của các doanh nghiệp, Việt Nam còn thiếu một chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành cà phê và sản phẩm cà phê ở quy mô quốc gia. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” mới chỉ là bước đi đầu tiên trong chiến lược này.
Cải thiện hình ảnh cà phê Việt
Để nâng cao vị thế, hình ảnh cà phê chất lượng cao của Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới, trước hết cần tập trung vào giải pháp phát huy nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” sau khi được bảo hộ thông qua xây dựng chiến lược quảng bá tổng thể quốc gia về cà phê.
Đồng thời, lồng ghép hoạt động với các chương trình thương hiệu quốc gia hiện hành; hỗ trợ vận hành hệ thống quản lý, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận và xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, hiểu biết của người tiêu thụ, tiêu dùng cà phê nội địa và cà phê chất lượng cao của Việt Nam.
Hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã dự thảo Chương trình tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cũng chủ trì phối hợp với Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) đề xuất các hoạt động xúc tiến thương mại cà phê mang nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước, lồng ghép với các Chương trình thương hiệu quốc gia và xúc tiến thương mại quốc gia (như Vietnam Value, Foods of Vietnam).
Tiếp đến, cần định hướng chiến lược quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao nhằm nâng cao mức độ nhận diện về cà phê chất lượng cao của Việt Nam. Đặc biệt là tập trung quảng bá cho một số dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao như cà phê Arabica Cầu Đất, cà phê Sơn La.
Hiện nay, cà phê Cầu Đất đã được Starbucks quảng bá trong chuỗi cửa hàng của công ty trên thế giới, cà phê Sơn La đã được Tập đoàn Phúc Sinh quảng bá thông qua dòng Blue Son La… Việc quảng bá các sản phẩm cà phê đặc sản, đã có danh tiếng sẽ góp phần cải thiện hình ảnh chung của cà phê Việt Nam.
Ngoài việc chủ động tổ chức các cuộc thi, lễ hội quy mô quốc gia dành cho cà phê đặc sản, chúng ta cũng cần quảng bá cà phê tại các điểm du lịch lớn, sân bay nơi tập trung nhiều khách du lịch quốc tế.
Và để nâng giá trị và thương hiệu sản phẩm, bắt buộc phải nâng tầm các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê thành văn hóa cà phê. Đối với cà phê Robusta, Việt Nam nên chú trọng quảng bá cho văn hóa cà phê thông qua cách pha chế bằng phin độc đáo và uống cà phê với sữa đặc, cà phê trứng.
Việt Nam nên xây dựng các câu chuyện về người trồng, chế biến cà phê và kể câu chuyện đó với thế giới. Chất lượng không chỉ là hương, vị mà còn là khía cạnh văn hóa, xã hội của cộng đồng người trồng cà phê.
Và cuối cùng, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản nhằm kích cầu nội địa đối với cà phê và tiêu thụ cà phê “chỉ làm từ cà phê” nhằm tăng sản lượng tiêu thụ cà phê ngay tại Việt Nam.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam